Di tích lịch sử đền nhược sơn
DI TÍCH LỊCH SỬ-ĐỀN NHƯỢC SƠN
(Thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái )
I- Giới thiệu chung:
Xã Châu Quế Hạ có diện tích 8586,72 ha, dân số 6569 người, là một trong những xã vùng cao của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Địa hình nơi đây khá hiểm trở (có nhiều đỉnh núi cao từ 400m tới 576m), đại bộ phận đất đai là núi cao, xen kẽ là những dải thung lũng hẹp do phù sa sông suối bồi tụ. Châu Quế Hạ là địa bàn tụ cư của nhiều dân tộc, chủ yếu là dân tộc Tày, Kinh và Dao sinh sống.
Về giao thông: Đường sông (theo sông hồng), và đường bộ (theo đường tình lộ 151 Yên Bái - Khe Sang), do nhiều năm đường xá không được tu sửa, nay đã xuống cấp trầm trọng.
Về kinh tế: Đại bộ phận nhân dân làm nông nghiệp và trồng cây công nghiệp cây ăn quả. Sản phẩm chủ yếu là thóc gạo, hoa màu, đường mía, quế, dứa,…Có 1 chợ trung tâm và một bưu điện văn hoá xã được xây dựng kiên cố bằng bê tông.
II- Tên gọi:
Đền Nhược Sơn là tên gọi của đền mộ Nhược Sơn, thờ một võ tướng thời Trần tên là Hà Chương, thuộc thôn Ngọc Châu xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái.
Nhân dân địa phương thường gọi đền Nhược Sơn bằng một cái tên gọi khác là: Loòng Mẹac, Tại Mẹac.
III- Vị Trí:
1- Địa điểm:
Đền Nhược Sơn thuộc thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Đền Nhược Sơn có toạ độ 104°30´ kinh độ tây, 18° vĩ bắc phía Bắc giáp suối Nhược, phía Đông giáp với sông Hồng (ở đây có bến đò Châu Quế Hạ, nhân dân thường gọi là bến Nhược Sơn). Phía Tây giáp đường tỉnh lộ 151, phía Nam là ruộng.
Đền Nhược Sơn - xã Châu Quế Hạ vùng đất này trước:
- Thời Hùng Vương thuộc bộ Tân Hưng.
- Thời trần thuộc Châu quy Hoá, trấn Thiên Hưng.
- Đầu thời Lê thuộc địa phận phủ Quy Hoá.
- Năm Minh mệnh thứ 12 (1831) thuộc địa phận phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá.
- Ngày 14-1-1900, xã Châu Quế Hạ thuộc châu Văn Bàn tỉnh Yên Bái.
Qua các thời kỳ thay đổi, hiện nay xã Châu Quế Hạ có 14 thôn: thôn Nhẻo, thôn Châu Tự, thôn Phát, thôn Gốc Trám, thôn Đức Lý, thôn Bản Tát, thôn Nhược, thôn Mộ, thôn Khe Bành, thôn Khe Pháo, thôn Pha, thôn Chạc, thôn Ngọc Châu, thôn Hạ Lý.
2- Đường tới di tích:
Khu di tích lịch sử - văn hoá đền Nhược Sơn cách huyên lỵ Mậu A 41km, cách tỉnh lỵ Yên Bái 71km. Đi tới di tích có thể đi tới các tuyến sau:
- Đường bộ: Từ thành phố Yên Bái theo đường tỉnh lộ 151 (qua phà Trái Hút) đi tới km71 (UBND xã Châu Quế Hạ) rẽ phải 100m là tới di tích.
- Đường sắt: Theo tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tới ga Mỏ Đá, qua bến đò Nhược Sơn là tới di tích.
- Đường thuỷ: Từ thành phố Yên Bái đi thuyền ngược dòng sông Thao tới bến Nhược Sơn (khoảng 70km) là tới di tích.
IV - Loại hình di tích:
Di tích Đền Nhược Sơn , thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ là đền thờ ngài Hà Khắc Chương, một nhân vật lịch sử có thật, một võ tướng thời nhà Trần có công đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía Bắc, chống lại quân xâm lược Nguyên Mông, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta vào cuối thế kỷ XIII. Di tích này xếp vào loại hình di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia.
V- Lược sử di tích:
1- Bối cảnh lịch sử - xã hội đương thời:
Sang mùa xuân tháng 2 năm Đinh Hợi (1287), vua Nguyên Mông kéo lấy 7 vạn quân, 500 chiến thuyền, 6.000 quân Vân Nam và 1 vạn 5.000 quân ở bốn châu ngoài bể, sai Thái tứ Thoái Hoan làm Đại Nguyên Soái, A Bát Xích làm Hoành Tỉnh tả thừa, Áo Lỗ Xích là Bình trương Chính sự, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm Chi Chính Sự. Đem tất cả hơn 30 vạn quân sang tiến đánh nước Nam.
Trước khi quân Nguyên Mông vào xâm lược nước ta, Thái Thượng Hoàng, Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã sắc phong Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế chỉ huy toàn bộ quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Các Vua Trần đã tổ chức hội nghị các bô lão trong cả nước tại Điện Diên Hồng để hỏi ý kiến nhân dân nên hàng hay lên đánh, cả nước đồng lòng " đánh". Quân ta khắc vào tay hai chữ "Sát Thát". Với quyết tâm giết giặc của toàn dân, dưới sự chỉ huy chiến lược tuyệt vời của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Để tránh thế mạnh của quân địch ban đầu ta tổ chức đánh cầm cự và bỏ kinh đô Thăng Long để bảo toàn lực lượng, dùng chiến tranh du kích, "vườn không nhà trống" để tiêu hao sinh lực địch, đợi cho quân địch khốn khổ vì thiếu lương thực mới tổ chức phản công. Bằng những trận thắng lớn: Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, quân dân Đại Việt đã buộc thái tử Thoát Hoan phải chui vào ống đồng rút chạy khỏi kinh đô Thăng Long.
Đạo quân Nguyên Mông do Nạt Tốc Lạt Đinh chỉ huy chạy ngược theo sông Lô về Vân Nam, khi chạy qua địa phận Phù Ninh chúng bị quân dân địa phương do anh em Hà Đặc, Hà Chương chặn đánh. Từ động Cự Đà, đoán trước đường rút chạy của địch Hà Đặc, Hà Chương đã rút quân lên đóng lại căn cứ Núi Trĩ, đêm đến, từ trên núi đưa dân binh xông vào đồn quân tiên phong của giặc tập kích bất ngờ. Hà Đặc sai người dùng tre đan thành những hình người to lớn cho mặc áo quần như những người thật rồi cứ tối thì dẫn ra dẫn vào. Ông lại sai người dùi thủng thân các cây to rồi cắm vào đấy những mũi tên thật lớn. Quân giặc trông thấy tưởng rằng đang gặp những người khổng lồ có sức mạnh phi thường bắn thủng cả những cây cổ thụ, hoảng loạn mà không dám đánh.
Quân của Hà Đặc, Hà Chương đuổi giặc tới tận A Lạp thì bị đạo quân đi sau của giặc chặn đánh. Hà Đặc đã anh dũng hy sinh, Hà Chương bị bắt. Nhân đêm tối, lúc giặc sơ hở Hà Chương đã lấy cờ xí và y phục quân giặc trốn về, đem dâng lên quân triều đình xin dùng cờ và y phục giả làm quân giặc tới quân danh của chúng. Giặc bị tập kích bất ngờ không kịp đề phòng bị quân của Hà Chương đánh từ trong ra, quân Nguyên Mông tan vỡ và chết rất nhiều rút tàn binh về Vân Nam.
Chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 2 là một chiến thắng lừng lẫy. Những cái tên: Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Cự Đà sẽ mãi còn ghi vào sử sách. Những đóng góp của nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh lỗi lạc: Hà Đặc, Hà Chương thể hiện sức mạnh đoàn kết kháng chiến chống quân Nguyên Mông của toàn thể dân tộc.
2- Quá trình hình thành di tích:
Khởi đầu, ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ XVI. Kể từ năm 1906 khi tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua, các nhà buôn đã bỏ tiền xây dựng lại đền với quy mô nhỏ, hẹp, kiến trúc không đặc sắc.
3- Các nguồn tài liệu liên quan:
Theo "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" (tập 2, tr61) bản dịch: "Ngày 17 Toa- Đô cùng Ô- Mã- Nhi từ ngoài biển đánh vào sông Thiên Mạc, muốn họp quân ở Kinh sư để giúp đỡ lẫn nhau, du kinh đến huyện Phù Ninh, viên phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc lên núi Trĩ Sơn cố giữ. Quân giặc đóng ở động Cự Đà, Hà Đặc lấy tre đan thành hình người to lớn, mặc áo cho, cứ đến tối đêm thì dẫn qua, dẫn vào, lại dùi thủng cây to cắm tên lớn vào giữa lỗ để cho giặc là sức bắn khoẻ suốt được cây to. Giặc sợ không giám đánh nhau với Đặc. Quân ta hăng hái xông ra đánh phá được giặc. Đặc đuổi tới A Lạp, làm cầu phao qua sông, hăng đánh quá bị chết. Em là Chương bị giặc bắt được, lấy trộm cờ xí và y phục của giặc trốn về đem dâng lên vua, xin dùng cờ ấy giả làm quân giặc để đến doanh trại của giặc. Giặc không ngờ là quân của ta. Bèn đánh tan quân giặc…".
Theo "Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục" (tập 1, tr.52.5) bản dịch: "Quân tuần liễu của nhà Nguyên đi đến huyện Phù Ninh, gặp viên phụ đạo tử là Há Đặc đặt mưu kế để lừa rồi đem toàn lực ra đánh, đuổi quân giặc chạy tới đất A Lạp. Vì đánh hăng quá, nên Hà Đặc tử trận, quân chúng của Hà Đặc đều mất về tay giặc. Em Hà Đặc là Chương nhân khi giặc sơ hở lấy trộm được áo giáp và cờ hiệu của giặc chạy về dâng nộp quân ta. Quân ta lén dùng quân trang ấy đánh vào dinh trại giặc, quân Nguyên không phòng bị tan vỡ…"
Theo gia phả của dòng họ Hà "Vốn gốc người Tày Khao, thuộc dòng Hà Đặc, Hà Chương thời trần. Nay tụ cư tại An Bồi, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình": Hà Khâm và Hà Chương là 2 anh em, khi đánh quân Nguyên, Hà Chương hăng hái truy kích địch tới vùng Yên Bái bị hy sinh tại đó. Ngài được phong hầu là "Bình Nguyên Thượng Tướng Trung Dũng Hầu" tại làng An Bồi còn có 1 nhà thờ Tổ có 2 câu đối:
"Thác Nhược tận trung lưu vạn đại
Hải môn chí dũng kỷ thiên thu"
Theo lời của các cụ cao niên tại Châu Quế Hạ truyền miệng lại: Hà Chương trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai đã đuổi quân Nguyên từ Phú Thọ theo đường sông Hồng lên Yên Bái, tới Châu Quế Thổ (tức Châu Quế Hạ ngày nay), Hà Khắc Chương chiêu mộ thêm thổ binh địa phương tiếp tục truy kích địch, đóng bè mảng mang ra cắm chốt tại cửa ngòi Thác Nhược (đối diện với ngòi Phúc Linh) để phục kích quân địch. Sau một tuần quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta từ mọi hướng xông ra phá tan quân địch. Trong lúc quyết chiến Hà Khắc Chương bị thương nặng và được đưa sang sông chôn cất tại cửa thác Nhược Sơn.
VI - Khảo sát:
1- Khảo sát thực địa:
Đền Nhược Sơn nằm quay ra hướng Bắc, có hình thể không đều, (không có cổng tam quan). Kết cấu theo kiểu chữ đinh. Trên mặt bằng tổng thể được chia làm 2 phần: phần kiến trúc chính và phần kiến trúc phụ. Diện tích mặt bằng là 191,44m2. Mặt bằng tổng thể không kể cả phần kiến trúc phụ gồm sân, vườn,…Các phần kiến trúc chính đều được bố trí theo hướng Bắc Nam như sau:
- Ngoài cùng là một dấu tích của 1 cổng gạch (nay chỉ còn lại phần móng). Qua cửa là tới sân tiền đường có diện tích là 94,46m2; góc phải của sân là toà thiêu hương được xây dựng thành bể có diện tích 0,5 x 1,5m ở chính giữa (phần tiếp giáp bậc tam cấp) là bể hoá trâu rộng 1,68m; dài 1,50m; cao 50cm.
Bước qua bậc tam cấp là vào cung đồng đại bái (cao hơn mặt sân tiền đường 1m). Phần kiến trúc đã bị phá huỷ hoàn toàn, nay còn lại dấu vết của một vài tảng kê cột và mặt nền (nền làm bằng vôi và mật) nhưng vẫn có biết trước đây cung đại bái được dựng 3 gian diện tích 52,6m2. Năm 1996 cũng được dựng tạm bằng vật liệu tranh tre nứa lá (vẫn dựng trên nền cũ), đây là góp phần công đức của nhân dân xã Châu Quế Hạ. Tại cung đại bái xây bệ kích thước 2,67m x 2,67m; cao 1m đặt 3 kho tượng: quan lớn Hà Chương, Đại vương Trần Triều và Bà Chúa Thượng Ngàn.
Đi tiếp vào trong là hậu cung, tại đây có bệ tam cấp dài 2,50m, rộng 2,28m, cao 0,08m (tương truyền đây là mộ của Hà Chương). Hệ thống tượng gồm: tượng chúa Mẫu Thượng Ngàn, chúa Mộu Đệ Nhị, bà chúa Mẫu Thoải, Phật Tổ, Phật Nghìn Tay Nghìn Mắt. Phần kiến trúc hậu cung hoàn toàn mới. Đây là công đức của dòng họ Hà, di duệ thứ 12 của Hà Chương hiên sinh sống tại Hà Nội, Thái Bình xây dựng.
Ngoài những thành phần kiến trúc chính như đã miêu tả như trên, theo lời kể của các nhân chứng sống tại xã Châu Quế Hạ và xã Châu Quế Thượng, kiến trúc của đền Nhược Sơn còn có một số kiến trúc phụ khác như: nhà tiếp dân (6 gian), nhà oản (4 gian nhà sàn). Hiện nay những kiến trúc này đã không còn dấu tích.
2- Quá trình tu sửa tôn tạo:
Khởi đầu đền Nhược Sơn được xây dựng vào thế kỷ thứ XVI, lúc đầu là tranh tre, nứa lá. Tới năm 1906 khi tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai được thông thương, các nhà buôn bỏ tiền cung tiến xây dựng lại đền với quy mô nhỏ hẹp. Phần tôn tạo tu sửa gồm: làm cổng, lát sân, dựng toà nhà cung đồng đại bái và hậu cung. Phần tượng: đúc tượng Hà Chương bằng đồng, đúc chuông…
Năm 1947, nhân dân xã Châu Quế Hạ và Châu Quế Thượng cung tiến xây dựng, sửa chữa (phần mái của nhà cung đồng đại bái và hậu cung).
Năm 1962, do chiến tranh ly tán, đền Nhược Sơn không còn ai thờ cúng. Do vậy, đền ngày một hư hỏng thêm, cũng trong thời gian này những di vật quý của đền như: hoành phi, câu đối, chuông đồng, bát tượng, tượng Hà Chương, bị con buôn đem đi bán.
Năm 1984, đền bị phá lấy gạch để xây trường học.
Năm 1996, nhân dân xã Châu Quế Hạ dựng tạm ba gian nhà tre của cung đồng đại bái để lấy chỗ thờ phụng.
Năm 1999, dòng họ Hà, con cháu Hà Đặc, Hà Chương từ Hà Nội, Thái Bình cúng tiến xây dựng lại nhà hậu cung với chất liệu: tường gạch, mái đổ bê tông, lợp ngói (đây là phần kiến trúc hoàn toàn mới nhưng vẫn được xây dựng trên cơ sở của nền hậu cung cũ)
3- Các di vật:
Hiện nay số di vật được biết (cả đền Nhược Sơn, Bảo tàng tỉnh Yên Bái và ngoài nhân dân) là hơn 10 di vật, gồm có một số di vật quý sau:
* Chuông đồng: 1 cái, cao 58cm, thân cao 37cm, quai cao 21cm, thân rộng 23cm, nặng 35kg. Chuông có dáng thon, quai được trang trí rất tỉ mỉ (hình lưỡng long chầu nguyệt). Thân được bổ thành 4 ô, mỗi ô đúc một chữ lớn và một hàng chữ nhỏ.
- Ô thứ nhất: chữ Đông, phía đưới là hàng chữ "Hưng Hoá Tỉnh, Yên Bái đạo, Trấn Yên huyện, Đông Cuông tổng, Đông Cuông xã, trại phụng tự. Tam phủ thánh mẫu phong vị tiên chúa, nẫm trứ linh ứng (Thanh đồng):
Bằng thị tâm thụ ư tự cổ hương".
- Ô thứ hai: chữ Cuông, phía dưới là hàng chữ: "Lai phụng, nam mô thập phương công đức thập phương dâng tiến".
- Ô thứ ba: chữ Tự, phía dưới là hàng chữ: "Hoàng triều Thành Thái bát niên, thập nguyệt cát nhật chú".
- Ô thứ tư: chữ Chung.
Chuông được đúc vào tháng 10 năm 1899, niên hiệu Thành Thái Triều Nguyễn.
* Tượng Hà Chương: được đúc bằng đồng, cao 28,5cm, rộng 9cm, nặng 67kg. Khuôn mặt của pho tượng thể hiện đầy đặn, nhẵn nhụi, mắt hẹp nhỏ, mũi thẳng, miệng mím vừa phải thể hiện sắc thái của một vị tướng khá rõ ràng. Đầu đội mũ cánh chuồn, y phục dài từ vai xuống đến chân tạo những nét uốn nhẹ nhàng. Niên đại: theo lời kể của các cụ, tượng được đúc vào khoảng năm 1925- 1926.
* Bát nhang: được đúc bằng đồng cao 25cm, rộng 18cm, chia làm hai phần khá rõ rệt: phần thân và phần đế:
- Phần thân cao 20cm, rộng 25cm, trang trí nổi hình rồng thêo đề tài "Lưỡng long chầu nguyệt". Phần gờ miệng được đúc nổi đường hồi văn.
- Phần đế cao 5cm, được đúc riêng, phần chân tạo dáng hổ phù.
Hoành phi: "Anh linh hiển hựu"
Câu đối: "Vạn cổ lưu danh thế thượnh thần"
" Nhất trần thác Nhược tiên cung"
4- Sinh hoạt văn hoá- lễ hội:
* Phần lề: ngoài các tiết theo kiểu thờ thánh mẫu, ở đây đáng chú ý còn có lễ Tứ Viết được tổ chức mỗi năm hai lần vào ngày 20/1 và 20/9 (Âm lịch), tiếng Tày gọi là "phá lường" (tức: lên đồng).
- Ngày 20/9: tương truyền là ngày Hà Chương mất. Nhân dân làm cốm cúng và bàn công tác trù bị chuẩn bị cho việc đón khách thập phương tới hương khói, thờ cúng Ngài.
- Thời gian: từ 5 giờ sáng tớ 5 giờ chiều.
- Thành phần: các cụ tiên chỉ, chánh tổng, phó lý, bá hộ…
- Từ 5h sáng, lính dõng chỉ đạo việc mổ lợn (lợn từ 60- 70kg, không quy định lợn trắng hay đen). Mổ lợn tại bờ sông Hồng, tiết chia thành 12 chậu (để cúng Long vương tại thác Nhược Sơn) (có băng ghi âm kèm theo - xem mục IX - hồ sơ ảnh và băng tư liệu).
- 6h sáng, bà con dân bản đem cốm và bánh dày (đựng trong coóng) dâng lên quan lớn Nhược Sơn.
- 9h sáng, lễ chính diễn ra, thầy mo đọc bài văn tế gồm 7 tuần, nội dung: tưởng nhớ công lao của ngài và cầu cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.
- 10h sáng, thấy mo cúng xong, bộ phận nhà lân (nhà khách) làm cơm phục vụ khách mời và khách thập phương về dự hội.
- Ngày 20-1 (Âm lịch) khác ngày 20- 9 ở chỗ: mổ lợn se thay bằng mổ trâu, phần lễ và phần hội vẫn giống như ngày 20- 9.
* Phần hội:
- Thời gian từ 10h sáng tới 5h chiều.
- 10h sáng, các hoạt động sinh hoạt lễ hội sẽ diễn ra đồng loạt như: hội múa xoè, hội đại yến, hội ném còn, hội hát đúm…
- 10h sáng, hội múa xoè được tổ chức tại sân đền. Dân làng diện trong những bộ quần áo dân tộc xoè trước đền. Thầy mo sẽ xoè trước, mỗi bài xoè có từ 6- 7 người cùng xoè, mỗi người đeo 10 quả nhạc vừa xoè vừa hát những bài hát mang nội dung cầu mùa.
- Từ 11h- 5h chiều, hội hát đúm (hát đối), hội ném còn, hội đánh yến được tổ chức tại sân đền.
+ Hội đánh yến: quả yến được làm bằng lá cây dứa dại, được tết từ 4 lá và buộc 3 chiếc lông cánh gà. Người đánh sẽ chuyền cho nhau, nếu người nào đánh rơi sẽ bị đấm một phát nhẹ.
+ Hội ném còn: được chia thành 2 đội, một bên nam và một bên nữ, ai ném thủng vòng còn sẽ được Lý trưởng được thưởng bằng hiện vật. Cây nêu cao từ 15- 20m, vòng còn từ 20- 25cm, được dán bằng giấy đỏ mặt hướng ra bờ sông (đầu sông ném xuống, cuối sông ném lên). Quả còn được làm từ vải, trong đựng hạt bông được gói thành hình vuông, bốn góc đều trang trí thành những tua xanh đỏ. Tua làm bằng dây dài 70cm, được tết từ lạt nứa và thắt thành 7 đốt bằng vải xanh, đỏ, tím, vàng (tượng trưng cho 7 vía của ngài). Thầy mo sẽ khởi xướng cho việc ném còn. Dưới chân cột còn có một mâm gà và xôi cúng thổ địa.
+ Hội hát đúm (hát đối): nhân dân các bản sẽ hát đối với nhau những bài hát với nội dung hỏi thăm sức khoẻ và chúc làm ăn phát đạt.
- Kết thúc phần lễ hội (5h chiều), lý trưởng và bá hộ sẽ công bố và có lời cảm ơn tới nhân dân và khách thập phương.
5- Đánh giá hiện trạng:
Kiến trúc của đền Nhược Sơn là hoàn toàn mới, hiện nay chỉ còn thấy một vài thành phần kiến trúc nhỏ cuối triều Nguyễn như: sân đền, bệ trâu quỳ, nền cung đồng đại bái, một vài tảng đá kê bằng đá xanh. Phần kiến trúc của cung đại bái là do nhân dân xã Châu Quế Hạ tự đóng góp, dựng bằng vật liệu tranh tre nứa lá (3 gian) nhưng vẫn trên cơ sở của nền cung đại bái xưa để lấy nơi thờ tự. Phần cung cấm là do con cháu dòng họ Hà Chương xây dựng, tường bằng gạch, mái đổ bê tông, lợp ngói. Đây là phần kiến trrúc hoàn toàn mới.
Đồ thờ tự: ngoài tượng Hà Chương và bát nhang được đúc bằng đồng vào cuối triều Nguyễn (hiện đang lưu giữ tại kho bảo quản Bảo tàng tỉnh Yên Bái). Toàn bộ đồ thờ tự của đền hiện nay đều hoàn toàn mới, hoặc không phải của đền (nhu chuông đồng đền Đông Cuông được cúng tiến)
Phong tục- lễ hội: những sinh hoạt văn hoá lễ hội của đền Nhược Sơn được bảo lưu gìn giữ rất tốt, mang nét đặc trưng của người Tày Khao như: hội ném còn, hội xoè, hội đánh yến, hội hát đúm. Đây là một nét quý cần được bảo lưu, gìn giữ và phát triển. Trong tương lai gần khi khu di tích được xếp hạng, thì đây sẽ là một tuyến thu hút khách du lịch về thăm quan nghỉ mát và tìm hiểu đời sống văn hoá tinh thần, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Tày nói riêng, tiến trình phát triển của dân tộc nói chung.
VII- Phương hướng quy hoạch, tu bổ và quản lý di tích đền Nhược Sơn:
1- Quy hoạch:
Đền Nhược Sơn thờ Hà Chương một danh tướng thời Trần có công đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía bắc, chống lại quân xâm lược Nguyên Mông và góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc ta vào thế kỷ thứ XIII.
Đền Nhược Sơn không những là niềm tự hào của nhân dân xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên mà còn là niềm tự hào chung của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Trải qua những thăng trầm biến cố của lịch sử, hiện nay đền đã xuống cấp. Tuy vậy, những giá trị về mặt lịch sử - văn hoá của di tích vẫn còn trường tồn mãi với thời gian. Để bảo lưu và phát triển những giá trị của di tích này chúng ta phải có hướng quy hoạch lâu dài cụ thể:
- Vùng 1: có diện tích 0,5ha; quy hoạch cụ thể với những hạng mục sau: kè lại khúc suối Nhược đoạn chảy qua di tích để bảo vệ cây đa cổ thụ và tránh sói lở khu di tích. Dựng lại một ngôi đền mới.
- Vùng 2: có diện tích…ha; trồng cây ăn quả và cây bóng mát quanh di tích.
* Tiến trình thực hiện:
- Bước 1: làm đường vào di tích rộng 2,5m (bê tông), kè lại khúc suối Nhược đoạn qua di tích.
- Bước 2: phục dựng lại một ngôi đền mới đáp ứng các mục đích sau:
+ Kế thừa, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc.
+ Đáp ứng được quy mô, tầm vóc, giá trị vốn có của di tích.
+ Phải phù hợp với vị trí khu đất, hài hoà với cảnh quan chung.
+ Mang hình dáng và kết cấu của một ngôi đền truyền thống.
Gồm các hạng mục sau: Dựng cổng tam quan, xây sân, dựng lại cung đồng đại bái và hậu cung, xây nhà oản…
- Bước 3: xây dựng hệ thống tường rào quanh di tích (vùng 1), cây bóng mát và cây ăn quả (vùng2).
2- Quản lý bảo vệ và sử dụng di tích:
Xác định chủ sở hữu là nhà nước, UBND tỉnh căn cứ vào giá trị và nhu cầu quản lý nhà nước sẽ quyết định cụ thể.
Trước mắt, UBND xã trực tiếp quản lý. Lập ban quản lý di tích (do UBND xã quy định). Thành phần: đại diện xã, đại diện người chủ trì các hình thức hành lễ…các hoạt động quản lý di tích chịu sự chỉ đạo, giám sát của chính quyền địa phương và phòng VHTT- TT huyện Văn Yên. Bảo tàng tỉnh tiến hành lập hồ sơ khoa học để trình lên UBND tỉnh ra quyết định công nhận di tích đền Nhược Sơn.
VIII- Hồ sơ, bản vẽ:
1- Bản đồ:
1.1- Bản đồ vị trí: 1/25000
1.2- Bản đồ sơ đồ giao thông: 1/25000
2- bản vẽ: bản vẽ mặt bằng 1/100
IX- Hồ sơ ảnh và băng tư liệu:
1. Ảnh:
- Toàn cảnh di tích đền Nhược Sơn
- Câu đối nhà thờ tổ ở thôn An Bồi, xã Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
- Chuông đồng, Bát hương, Hoành phi.
2. Băng tư liệu:
- Băng ghi bài cúng Đền Nhược Sơn.
X- Hồ sơ bản dập:
XI- Hồ sơ pháp lý:
- Biên bản và bản đồ khoanh vùng di tích.
- Công văn đề nghị nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử của UBND huyện Văn Yên số 336/2003/CV-UB ngày 19/12/2003.
- Tờ trình đề nghị nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử- văn hoá Đền Nhược Sơn của UBND xã Châu Quế Hạ số…/2003/TT-UB ngày 28/11/2003.
XII- Nguồn tư liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư- tập 2, bản dịch, N.X.B.KHXH, năm 1971.
2. Khâm định Việt sử thông cương giám mục- tập 1, bản dịch, Trung tâm KHXN & NVQG- Viện sử học.
3. Tên làng, xã Việt Nam cuối thế kỷ XIX- Việt Hán Nôm xuất bản năm 1979.
4. Đền, chùa, đình ở tỉnh Yên Bái- Sở VHTT tỉnh Yên Bái năm 2003.
5. Tỉnh Yên Bái một thế kỷ (1900- 2000) Tỉnh uỷ - HĐND, UBND tỉnh Yên Bái tháng 4/2000.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét