LỊCH SỬ VĂN HÓA
1. Lịch sử:
Nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên từ lâu đời đã có truyền thống yêu nước đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Năm 1258, nhân dân các dân tộc Văn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Mông – Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Năm 1285, nhân dân nơi đây đã ủng hộ, giúp đỡ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quân Mông – Nguyên quyết liệt, làm chậm bước tiến của chúng về kinh thành Thăng Long.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng, nước ta trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Đầu năm 1886, quân Pháp đánh chiếm Yên Bái, Tổng đốc Hưng Hóa hợp Nguyễn Quang Bích, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp phối hợp cùng các lãnh đạo địa phương như Vương Văn Doãn, Đặng Đình Tế, Phạm Thọ, Đặng Tiến Lộc, Đổng Phúc Thịnh tổ chức đánh chặn địch quyết liệt; xây dựng căn cứ chiến đấu gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 19-10-1889, nghĩa quân đánh tan cả đoàn thuyền địch gồm 13 chiếc trên sông Hồng, đoạn giữa Trái Hút và Bảo Hà.
Từ năm 1886 đến năm 1898, các hoạt động bất hợp tác với giặc, nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ liên tục nổ ra gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc thiết lập bộ máy thống trị và kiểm soát các tổng, xã.
Hai năm 1913 – 1914, cuộc khởi nghĩa do Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên và một số thủ lĩnh khác tổ chuức được đông đảo người Dao, Tày, Kinh ở vùng Văn Yên và các vùng lân cận tham gia, ủng hộ. Từ cơ sở đầu tiên ở tổng Trúc Lâu, phong trào lan rộng khắp châu Lục Yên, phủ Trấn Yên, phủ Yên Bình với tổng số 1.414 người. Nghĩa quân đã tiến công đồn Trái Hút (19-10-1914), đồn Bảo Hà (21-10-1914)… Nhưng do tổ chức, phối hợp thiếu chặt chẽ, trang bị vũ khí lạc hậu, thiếu then chốt, cho nên các cuộc tiến công không giành được thắng lợi. Thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, bắt hàng trăm người, trong đó có rất nhiều phụ nữ, xử tử 67 người (39 người ở nghĩa địa tây Yên Bái, 28 người ở Phú Thọ). Đây là sự kiện tiêu biểu khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết quật khởi của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung và vùng Văn Yên nói riêng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã không ngừng phát huy truyền thống quý báu, anh dũng đấu tranh có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Với những thành tích nổi bật Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Yên, xã Đại Phác, thị trấn Mậu A… đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp do Đảng và Nhà nước trao tặng.
Truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của đồng bào các dân tộc huyện Văn Yên là giá trị tinh thần to lớn, là nguồn sức mạnh từ nội lực, trở thành sức mạnh và động lực thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước trên con đường đi tới ấm no, hạnh phúc và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 16 tháng 12 năm 1964, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 177-CP, quyết định thành lập huyện Văn Yên. Ngày 8 tháng 1 năm 1965, Tỉnh uỷ Yên Bái ra Nghị quyết số 06-NQ/TU, chỉ thị Ban cán sự Đảng huyện, gồm 13 đồng chí, đồng chí Lê Thạch Bích được chỉ thị làm trưởng ban, các đồng chí Trần Huệ và Dương Xuân Cương làm phó ban. Ngày 13 tháng 2 năm 1965, Uỷ ban hành chính huyện được thành lập. Ngày 1 tháng 3 năm 1965, lễ bàn giao và tiếp nhận huyện được tổ chức tại hội trường khai hoang của hợp tác xã Ba Soi (Thọ Lâm) nay là khuân viên nhà văn hoá thôn 1 (thôn Kim Yên) xã Lâm Giang huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái. Từ đây, huyện chính thức đi vào hoạt động.
2. Văn Hóa
Cùng với những dấu tích lịch sử huyện Văn Yên cũng tồn tại một nền văn hóa mang đặc bản sắc dân tộc.
Tại thị trấn Mậu A, di tích Bến Đá Cổ đã được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh. Qua khai quật đã cho thấy dấu tích của người Việt cổ đã tồn tại từ lâu đời trên đất Văn Yên cùng với những truyền thống lịch sử Văn Yên có đền Nhược Sơn thuộc xã Châu Quế Hạ di tích lịch sử cấp Quốc Gia thờ dũng tướng Hà Khắc Trương trong cuộc chiến chống giặc Nguyên – Mông vào thế kỷ XIII – XIV. Đền Đông Cuông thờ Mẫu Thượng Ngàn và bài vị của 5 nghĩa quân người Tày họ Hà, họ Hoàng, họ Lương và họ Nguyễn bị thực dân Pháp hành quyết năm 1914. Đền được 4 đời vua phong sắc về có công lao bảo vệ đất nước và xã Đông Cuông cũng được đặc cách chuẩn y cho theo trước phụng thờ Chư Thần và chăm lo đền miếu cụm di tích cấp tỉnh trong chiến thắng sông Thao chống thực dân Pháp xâm lược gồm: di tích Đồn Đại Bục (xã An Thịnh), Đồn Đại Phác (xã Đại Phác), Đồn Dóm (xã Đông An). Ngoài ra còn có di tích cấp tỉnh của đình Cả Ngòi A thuộc xã Ngòi A. Với 11 dân tộc anh em sinh sống Văn Yên có nền văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và tồn tại cùng với đời sống của nhân dân như: múa mừng cơm mới, múa xẹ xi của dân tộc Xa Phó xã Châu Quế Thượng, múa rùa của dân tộc dao xã Quang Minh, múa xúc tép của dân tộc Tày xã Đông Cuông, Ngòi A. Kèn lá của dân tộc Dao xã Đại Sơn. Múa khèn, gậy xinh tiền của dân tộc Mông xã Nà Hẩu..v.v..
Thực hiện cuộc vận động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đến hết năm 2005, Văn Yên đã có 312/312 thôn bản, khu phố có nhà văn hóa, 237/312 thôn bản, khu phố có sân bóng chuyền, 100 đội văn nghệ cơ sở, mỗi năm một lần luân phiên tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng khối xã, thị trấn và hội diễn nghệ thuật quần chúng khối công nhân viên chức.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét