Đây có lẽ là một trong những câu hỏi khá HOT mà mình hay được yêu cầu tư vấn. Tôi cần bao nhiêu vốn cho dự án của tôi? Tôi chỉ có 10 triệu liệu có kinh doanh mặt hàng abc được không? Cách tính lượng vốn cần có để khởi sự một dự án kinh doanh?...
Để giải đáp câu hỏi này mình sẽ chia sẻ với các bạn 2 vấn đề:
- Cách tính lượng vốn cần thiết cho dự án khởi nghiệp.
- Bao nhiêu vốn là đủ?
Cách tính lượng vốn cần thiết cho dự án khởi nghiệp
Về cơ bản có thể phân thành 2 giai đoạn đầu tư, đó là giai đoạn chuẩn bị (giai đoạn khởi sự) và giai đoạn duy trì hoạt động đến khi hoà vốn (thu đủ bù chi và bắt đầu có lãi).
a) Giai đoạn chuẩn bị: có thể phát sinh các loại chi phí sau:
+ Chi phí đầu tư cho tài sản:
- Chi phí trụ sở văn phòng, nhà xưởng, trang thiết bị: chi phí này phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh mà công ty tham gia
- Chi phí tu sửa và trang trí văn phòng trụ sở
- Chi phí thuê nhà xưởng, văn phòng, máy móc, trang thiết bị…
Chi phí đầu tư cho tài sản phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh và cả khả năng tài chính của bạn, nếu bạn mở siêu thị tạp hoá thì cần có mặt bằng tốt và kệ để hàng...bạn mở nhà máy sản xuất thì cần có đất đặt nhà xưởng, xây lắp nhà xưởng và mua máy móc...tuy nhiên nếu bạn làm ngành dịch vụ thì chi phí này sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.
Tất cả các tài sản này định hình cụ thể sự tồn tại của doanh nghiệp nhưng bạn còn có rất nhiều thứ khác phải chi nên hãy luôn cẩn trọng. Nghiên cứu kỹ giá cả các món đồ cần mua, giá mặt bằng để tiết kiệm tối đa chi phí.
+ Sản phẩm / kiến tạo dịch vụ
Mình nghĩ đây là khoản chi phí quan trọng nhất và bạn nên nghĩ đến đầu tiên khi khởi nghiệp kinh doanh bởi vì không có sản phẩm / dịch vụ thì bạn chẳng thể có doanh thu/ lợi nhuận và chẳng có cái gì khác cả.
- Chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, chi phí mua bản quyền...
- Chi phí nhập hàng (nếu làm thương mại)
- Chi phí nguyên nhiện vật liệu (nếu bạn là nhà sản xuất)
- Chi phí kiến tạo dịch vụ nếu bạn là nhà cung cấp dịch vụ.
- Chi phí Marketing ban đầu để giới thiệu về sản phẩm và dịch vụ.
....
+ Chi phí khác: là những khoản chi phí có tên và cả "không tên", mình có thể kể ra một số thứ như:
- Chi phí chuẩn bị bản kế hoạch kinh doanh (dù bạn tự viết hay đi thuê)
- Chi phí tư vấn
- Chi phí thành lập doanh nghiệp, nộp thuế môn bài, khắc con dấu, in bảng biểu và danh thiếp...
- Vốn pháp định (nếu bạn kinh doanh trong những ngành yêu cầu có vốn pháp định)
- Chi phí thành lập trang web
- Mức lương/ tiền công bạn phải trả cho đội ngũ nhân sự (chỉ tính trước khi đi vào hoạt động chính thức)
Trên đây là một số loại chi phí cơ bản trong giai đoạn chuẩn bị để dự án kinh doanh có thể đi vào hoạt động, mình liệt kê theo các khoản mục lớn để các bạn tiện theo dõi. Phần tiếp theo sẽ là các chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh tới khi dự án đạt đến ĐIỂM HOÀ VỐN.
Điểm hoà vốn là điểm mà ở đó doanh thu bán hàng đủ để bù đắp chi phí bỏ ra, nếu tiếp tục sản xuất/bán hàng cao hơn mức đó chúng ta sẽ bắt đầu có lãi. Với những người khởi sự kinh doanh thì thời điểm đạt đến mốc này thật là tuyệt vời.
b) Giai đoạn duy trì hoạt động đến khi đạt điểm hoà vốn
Để cho dễ hình dung thì mình phân thành 2 khoản mục là chi phí cố định và chi phí lưu động, mình chỉ phác hoạ sơ bộ, bạn nào có chuyên môn kế toán chắc dễ hình dung vấn đề này.
* Chi phí cố định :
- Chi phí thuê nhà xưởng, máy móc hàng tháng...bảo hành, bảo dưỡng...
- Chi phí lương cho đội ngũ quản lý
- Bảo hiểm
- Lãi suất hàng tháng
- Tiền thuế hàng tháng
- Chi phí quảng cáo, xúc tiến bán hàng
- Chi phí cố định khác
* Chi phí lưu động:
- Lương cho công nhân, nhân viên
- Tiền nhập hàng mới hoặc mua nguyên liệu cho sản xuất...
- Tiền điện, nước cho nhà xưởng
- Chi phí lưu động khác
Mục đích của việc tính toán chi phí trong giai đoạn này là để biết lượng tiền bạn cần có cho những tháng đầu tiên sau khi đi vào hoạt động, trong khi chi phí hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng và doanh thu tạo ra chưa đủ để trang trải chi phí. Bạn phải chuẩn bị để cầm cự ít nhất là 6 tháng cho đến 1 năm, cho đến khi thu được lợi nhuận (đạt được điểm hoà vốn).
Bao nhiêu vốn là đủ?
Ở phần trên các bạn đã biết cách tính toán lượng vốn cần thiết cho một dự án kinh doanh, bằng cách cộng tổng các khoản chi phí (dựa trên giá thị trường) bạn có thể tính toán được một cách khá chính xác nhu cầu vốn cho dự án khởi nghiệp của mình.
Tuy nhiên, cách tính đó chỉ là lý thuyết, NẾU BẠN CÓ ÍT VỐN HƠN SỐ ĐÓ THÌ SAO?
Câu trả lời là, vẫn có thể làm được. Mình xin chia sẻ ở hai góc độ sau:
"Liệu cơm gắp mắm"
Khi nên danh mục các khoản chi phí như ở bước một, hẳn các bạn đã hình dung được rằng, có khoản chi rất quan trọng - có khoản không nhất thiết phải đầu tư; có khoản cần đầu tư ngay - có khoản đầu tư dần dần cũng được; và có khoản đầu tư sẽ sinh lợi nhuận - nhưng có khoản chỉ để phục vụ sự hoành tráng của bạn mà thôi...
Bạn nên liệu kê các khoản đầu tư theo thứ tự ưu tiên về độ quan trọng, và chỉ ưu tiên đầu tư cho những khoản mục nào có khả năng tạo ra doanh thu, thực sự quan trọng và cần làm ngay. Nếu còn vốn thì đầu tư tiếp các khoản mục ít quan trọng hơn, còn đã hết vốn thì hoãn lại, liệu cơm gắp mắm.
Năm 2010 mình bắt đầu khởi nghiệp với số vốn tích lũy bằng không bởi trước đó qua 4 lần khởi nghiệp thất bại mình đã cạn hết tiền rồi và cũng khó vay thêm của ai nữa. Khi đó chỉ có vỏn vẹn 6,5 triệu tiền lương mới nhận được đành chấp nhận bớt ăn tiêu để đầu tư. Trong khi theo nhẩm tính để thực hiện ý tưởng kinh doanh mình cần số vốn khoảng 25 triệu đồng.
Mình đã lấy giấy bút ghi liệt kê hết các khoản mục chi phí cần đầu tư, có khoảng 16 khoản mục khác nhau. Thật là kỳ diệu, một suy nghĩ thoáng qua trong đầu mình đó là "chỉ đầu tư cho những cái thực sự cần thiết, mang lại doanh thu ngay để quay vòng tái đầu tư". Vậy là mình đã gạt bỏ được rất nhiều khoản mục chi phí như:
- Chi phí thuê cửa hàng - chưa đầu tư mà tận dụng ngay phòng ở làm nơi chứa hàng,
- Chi phí tủ hàng - chưa đầu tư vội, khi nào mở rộng quy mô sẽ đầu tư.
- Chi phí bảng biểu quảng cáo - chưa cần thiết mà chuyển qua in tờ rơi ít tốn chi phí hơn.
- Chi phí thuê nhân viên - chưa cần đầu tư, tự mình sẽ đi giao hàng.
- Chi phí mua máy tính - tận dụng máy cũ của mình, không đầu tư mới.
...và rất nhiều khoản chi phí có thể trì hoãn khác.
Chỉ có 3 khoản mục cần đầu tư ngay đó là:
- Tiền nhập hàng 4tr / 6,5 triệu. Vì phải có hàng trước đã, bán được hàng sẽ quay vòng vốn tái đầu tư.
- Thuê thiết kế website 2tr / 6,5 triệu. Vì mình xác định bán hàng online là chủ đạo.
- 0,5tr in tờ rơi và báo giá để đi quảng cáo.
Cứ như vậy sau khoảng 15 ngày mình mình bán được đơn hàng đầu tiên, tiếp tục quay vòng tái đầu tư và mở rộng, triệt để tận dụng chính sách trả chậm của đối tác nhập hàng, sau khoảng hơn một năm hiện mình đã mở được một cở sở ở Hà Nội và một chi nhánh ở Sài Gòn. Đồng thời mở rộng thêm một lĩnh vực kinh doanh mới và đang tiếp tục tích lũy vốn để mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thứ 3. Điều thú vị là mình gần như không phải sử dụng đến vốn vay.
Chia nhỏ dự án đầu tư ra thành các giai đoạn khác nhau, thành các khoản mục nhỏ - ưu tiên lựa chọn đầu tư những khoản mục thật sự cần thiết và cần đầu tư ngay để tạo ra doanh thu - sau đó quay vòng vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh. Đó là điều mà mình muốn chia sẻ với các bạn muốn khởi sự kinh doanh nhưng đang có ít vốn trong bài viết này.
* Hợp tác là sức mạnh.
Nếu dự án của bạn, dù đã tính toán chi li các khoản mục đầu tư, nhưng vẫn cần một lượng vốn lớn hơn số bạn có thể có thì tại sao không nghĩ đến việc hợp tác nhỉ!
Bạn có thể hợp tác ở hai góc độ, kêu gọi người góp vốn và thực hiện dự án cùng, hoặc kêu gọi vốn vay. Ở cả hai hướng này thì bạn luôn cần có một bản kế hoặc kinh doanh thật đầy đủ và chứng minh được tính hấp dẫn của dự án. Có nhiều bạn tay trắng mà kêu gọi đủ vốn cho dự án hàng trăm triệu, cũng có người thì kết hợp với những người khác để vừa tăng vốn vừa tận dụng kinh nghiệm của người khác....Vì vấn đề này khá rộng nên mình sẽ chia sẻ vào một dịp khác.
Vậy bạn đã biết bao nhiêu vốn là đủ cho dự án khởi sự của bạn chưa ạ? Hãy linh hoạt và tuỳ cơ ứng biến nhe, đó là một tố chất không thể thiếu của doanh nhân đó các bạn.
Chúc các bạn thành công!
nguồn sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét